Tự lập

Gần đây, có 2 lần chuông nhà reo, lúc nào cũng vào khoảng trời chập chạng tối.
Lần 1 cách đây khoảng 1 tháng, đang lúc mãi mê dạo mạng, nàng bỗng giật mình vì tiếng chuông cửa. Quán tính tự nhiên, nàng quay ra cửa sổ, nhìn về hướng đường trước nhà. Trời bên ngoài đã trở nên nhá nhem tối, chẳng có chiếc xe nào đậu trước nhà cả. Chưa kịp định thần thì chuông cửa lại reo lần thứ 2. Hồi hộp đi về phía cửa chính, vừa trách thầm trong bụng tại sao chàng hẹn ai không báo cho mình biết. Từ khi phiêu bạt ra nước ngoài, nàng trở nên quen với việc hẹn gặp ai, phải ít nhất trước 1 ngày. Không bao giờ có chuyện ghé nhà bất ngờ mà không báo trước. Chần chừ có nên mở cửa ra không, lần này lại nghe tiếng gõ lộc cộc vào cửa gỗ. Xuyên qua lỗ tròn nhỏ trên cửa chính, tia nhìn của nàng đụng phải một cậu bé da đen, chắc khoảng học sinh lớp 2, lớp 3 gì đó. Bên dưới chân của cậu ta là một cái thùng khá to, màu đen, chả biết có những gì ở bên trong. Cũng may cửa chính có 2 cửa, 1 cửa gỗ và 1 cửa song sắt an toàn ở ngoài. Nàng mạnh dạn mở cửa gỗ ra, "chào". Cậu ta "chào", rồi hỏi nàng có muốn mua bánh ngọt không. Chưa hết ngỡ ngàng, nhưng thấy thương thằng bé, nàng muốn mua giúp nó, nhưng cũng sợ sợ vì chỉ có mỗi một mình ở nhà. Thằng bé bị từ chối không mời mọc gì thêm, lẳng lặng cuối xuống nhấc cái thùng đen lên, rồi đi về phía cổng. Nó đi rồi, nhưng nàng cứ thắc mắc mãi. Chả lẽ quanh đây cũng có trẻ em đường phố sao?

Hôm trước, chắc đã hơn cả tuần nay, cũng vào khoảng chiều tối, đang thay đồ để đi chạy bộ, nàng lại nghe tiếng chuông cửa reo. Lần này cũng là thằng bé bán rong. Nhưng 2 đứa da trắng, trông tụi nó ngang tuổi nhau, cỡ học sinh cấp 1. Trên tay cầm mấy tập giấy, trời tối nên không nhìn rõ cái gì. Nó cũng mời nàng mua "cái gì đó", nàng không nghe ra được tiếng Anh là cái gì. Nàng từ chối. Sau lần này, nàng đóng đinh chắc: quanh đây có trẻ em nghèo đường phố.

Tối hôm qua, kể cho chàng nghe về mấy đứa trẻ đường phố đến nhà gõ cửa bán hàng. Chàng cười, gõ đầu nàng kể lại chuyện của chàng.
Khoảng 20 năm về trước, chàng cũng đã là 1 đứa trẻ bán rong, đi gõ cửa từng nhà để bán mấy gói kẹo, tập vé mua hàng khuyến mại. Đấy là 1 trong những hoạt động của trường học. Có khi bán hàng lấy điểm để đổi lấy đồ chơi, có khi lấy tiền. Bán được càng nhiều, thì điểm/tiền lời càng nhiều. Kiếm được bao nhiêu, nó trở thành tiền túi của riêng chàng. Chàng nhớ mình đã từng đổi được cái ván trượt tuyết nhờ điểm bán hàng cho trường. Chàng thích nó lắm. Chàng còn nhớ có khi mẹ chàng dẫn cả hai anh em chàng đi gõ cửa nhà hàng xóm để chào hàng nữa. Buồn ngủ, nàng chả hỏi gì thêm, ngủ mất tiêu. Hôm nào phải hỏi chàng tâm trạng đi bán hàng rong ngày đó mới được.
Nghĩ chuyện của chàng và mấy đứa bé bán rong đến nhà, nàng nhớ lại cái ngày nàng ngồi ở chợ chòm hỏm, bán mấy trái mít trong vườn, cách đây khoảng 19, 20 năm gì đó. Chả là nhà nàng có 3 cây mít, trái sum xuê, nhà lại ít người. Mùa mít chín, xẻ trái này ăn chưa hết thì trái kia chín tới. Cấp trên quyết định chỉ ăn trái nào nhỏ, xấu xí, còn mấy trái to tròn là đem hết lên chợ bán. Có má ở nhà thì bán mít là công việc của má, không có má ở nhà, chả hiểu sao lúc nào nàng cũng bị "đì" đi bán mít. Có lẽ chị của nàng bận đi học buổi sáng cũng nên. Nàng ghét lắm cái việc bán mít. Ghét nhất là mấy cái cô bán buôn mua đi bán lại, họ rành và sắc bén lắm. Lúc nào cũng đòi khoét một lỗ tròn, chỗ mọng nhất trên trái mít. Mà công nhận cái dao của mấy cổ bén gì đâu. Xoay một vòng tròn, hoặc có khi khoét hình tam giác, là moi ra được một cái trụ khối sắc lẹm, cả xơ lẫn múi mít, có khi ló cả cái hột trăng trắng bị cắt ngang. Rồi dựa trên cái khối mới moi ra từ trái mít đó, các cô này trĩu môi, chau mày rồi ra giá. Lúc đầu, nàng ngây thơ lắm, nghe lời mấy cổ cho khoét thử. Khoét xong, họ ra giá thấp lè tè. Nàng đã nắm giá thị trường mít qua lời của má, nên nhất định không bán. Ngồi mãi hàng giờ cũng không có người mua cho, nàng phải đành bán với cái giá không ưng í tí nào. Riết rồi quen, nàng bán mít nhanh chạy hơn, lúc nào về cũng được ở nhà khen kinh doanh giỏi. Bán được mít thì vui lắm, vui nhất là về thấy cả nhà vui. Nhưng lúc đó, đi bán mít là một mặc cảm nhà nghèo của nàng. Mà đúng là nhà nàng nghèo thật. Có cái trại gà công nghiệp của ba, ngày nào cũng phải cần tiền để mua rau muống tươi cho gà. Hôm nào bán được trái mít, tiền đó ngay lập tức xoay vòng sang cho thức ăn gà. Sáng sớm, nàng gồng chiếc xe đạp mini lên dốc, sau yên xe là trái mít to tướng, nhanh thì tiếng đồng hồ sau, chậm thì đến giữa buổi, nàng mới lên xe cọt kẹt về nhà, lúc nào cũng phải chở về một bó rau muống to tướng phía sau.
Công việc mua vào cái này bán ra cái kia của nàng ngày đó là thế. Nàng cứ nghĩ rằng, nhà mình nghèo mới phải đi bán từng trái mít, mua về bó rau như thế. Nàng để trong lòng mãi, chả muốn kể cho ai nghe về cái thời bé khó khăn của nàng. Nhưng nay nghe chuyện của chàng, rồi nhớ mấy đứa bé bán rong đến nhà, cái mặc cảm ngày nào trở nên niềm kiêu hãnh. Kiêu hãnh vì nàng cũng đã làm được cái việc gọi là kiếm tiền, mặc dù không phải kiếm tiền cho nàng, nhưng cái chính là nàng hiểu được để kiếm ra đồng tiền nó khó khăn thế nào?
Hiểu được kiếm đồng tiền mồ hôi nước mắt như thế nào thì cũng hiểu được giá trị đồng tiền hơn. Nó làm cho nàng phải biết tự trọng khi nhận tiền từ ai và thận trọng hơn khi cho ai tiền. Và điều đó làm nàng kiêu hãnh.

Hình minh họa là mấy cái lá húng lủi ngắt ở vườn vào, ngâm trong nước qua 1 đêm, nó xanh và cứng mọng nước, nhìn thích quá, chụp cái hình lưu lại.
*********************************************
Những bài viết trên "nồi niêu" dùng giấy phép của Creative Commons Attribution-Noncommercial 3.0 License. Nghĩa là có thể sử dụng những nội dung và hình ảnh trong "nồi niêu" ngoài mục đích kinh doanh. Nghiêm cấm dùng cho mục đích tư lợi mà không được sự cho phép của tác giả.
Bất cứ trích dẫn nào lấy từ "nồi niêu" phải được ghi xuất xứ và phải nối đường link trở lại với ngọn nguồn của nó. Vui lòng đừng sao chép.
*****************************************

2 nhận xét:

vyvynguyen nói...

Không ngờ chị cũng có tuổi thơ khó khăn như thế. Hè năm lớp 7, nhà kế bên bán cơm tấm ăn sáng, em cũng mở ké một hàng nước bán càfê và sữa đậu nành kế bên, tiền lời bé tẹo. Rồi chiều thì bán thuốc lá với rau câu trước cổng nhà. Cũng tự làm lấy thôi, mẹ hỗ trợ tí xíu, nhưng sao mà thấy hãnh diện lắm đấy chị ạ. Đọc bài của chị mà nhớ thời còn ở quê quá đi thôi, em thèm cái không khí yên bình ở đồng quê quá đi mất. Nhớ ngày xưa quá đi mất.

Nặc danh nói...

em đã lấy cái bài "dụng cụ nhà bếp 2" để post lên blog 360 của em.

Đăng nhận xét